scholicymaker . scholicymaker .

Vị Trung Đông giữa lòng nước Nga

Một trong những điều tôi luôn quyết tâm làm khi đến thăm một vùng mới là ăn thử đồ ăn bản địa. Đến Nga dĩ nhiên phải thưởng thức súp củ cải đỏ borscht, thịt nướng shashlik, bánh mì đen với mỡ muối salo, v.v. Nhưng thật ra nước Nga không chỉ có "người Nga" mà chúng ta hay nghĩ đến: da trắng, mũi cao, tóc màu hạt dẻ. Ở Nga còn có nhiều cộng đồng thiểu số đến từ các khu vực Trung Á và Trung Đông nữa. 

Tôi từ lâu vẫn quan niệm đồ ăn như một dạng nghệ thuật có thể "chén" được theo nghĩa đen. Nhưng hơn cả, nó là khe cửa để chúng ta "nhòm" vào trong thế giới của một nhóm người có văn hoá và lịch sử khác xa chúng ta. Khi ta ăn đồ ăn của họ, ta sẽ có cơ hội để hiểu những gì đã xảy ra đối với dân tộc, quốc gia của họ (vì đồ ăn cũng giống như mọi thứ khác, sinh ra trong một bối cảnh văn hoá, địa lý, lịch sử nhất định). Không phải tự nhiên mà bánh croissant lại sinh ra ở nước Pháp chứ không phải ở Lào, và không phải tự nhiên mà nước mắm lại phổ biến ở Việt Nam chứ không phải ở Ấn Độ. 

Cái hay của ẩm thực là nó luôn đi theo con người. Người đi đâu thì thức ăn tới đó, vì để sinh tồn được ắt phải ăn. Hơn nữa, nếu phải dứt áo ra đi, đến một nước khác sinh sống, những người nhập cư có lẽ thường nghĩ tới việc mở quán ăn như một phản xạ có tính bản năng. Nhờ đồ ăn họ kết nối được với cộng đồng và kiếm kế sinh nhai.

Nói gần nói xa chẳng qua hôm nay muốn khoe với các bạn rằng trưa nay tôi được ăn một đĩa falafel siêu ngon. Với những ai chưa biết tới falafel thì nó là một món ăn truyền thống của người Trung Đông/Bắc Phi, giống như một dạng chả viên chiên làm từ đậu gà (chickpeas). Đây không phải là lần đầu tiên tôi ăn món này và số lần ăn món này dở ẹc (bao gồm cả những lần tôi tự làm) có lẽ nhiều vô kể. Nhưng falafel ở cái quán nhỏ nhỏ xinh xinh này thì khác. Bên ngoài rất giòn, bên trong thì xốp ẩm nhưng không quá ướt, mềm mượt không lợn cợn và vừa đủ rau thơm gia vị. Đến nỗi chén xong một cái, tôi phải bảo ngay cô bồi bàn rằng nhớ nói với bếp rằng món falafel của quán dễ dàng nằm trong top 3 những đĩa falafel tôi từng ăn! 

Read More
scholicymaker . scholicymaker .

Cách hiểu mới về Binh pháp Tôn Tử

Lần đầu tiên tôi đọc Binh pháp Tôn Tử là lớp 11 hoặc 12 gì đó khi còn đang học cấp 3 bên Thuỵ Điển. Cuốn binh thư nổi tiếng này có lẽ ai cũng từng nghe tới rồi. Tuy có thể chưa đọc nhưng đa số đều có lờ mờ biết tới câu “biết người, biết ta, trăm trận không nguy” trong cuốn Binh pháp.

Sáng nay trên đường tới cơ quan tôi mới biết được một điều “động trời” trong lúc nghe một tập podcast. Một là, không có Tôn Tử nào cả, tác giả của cuốn binh thư thật ra được “co-author” bởi một nhóm các binh gia ẩn danh, dựng nên nhân vật Tôn Tử đầy bí ẩn để nâng cao uy tín cho tác phẩm. Hai là, cuốn binh thư trứ danh hơn 2000 năm tuổi được cho là viết vào thời Xuân Thu hoá ra được viết thời Chiến Quốc (khoảng 200 năm sau đó). Điều này khá quan trọng vì cách thức tiến hành chiến tranh ở hai khung thời gian khác nhau đáng kể. Và nó liên quan đến một điểm thú vị thứ ba, đấy là theo nghiên cứu của các học giả Mỹ thì sở dĩ “nhóm tác giả” viết cuốn Binh pháp là để mở đường cho việc thành lập một tầng lớp mới gồm những nhà cầm quân chuyên nghiệp. Họ muốn giành lại quyền binh từ tầng lớp quý tộc và vì thế sử dụng cuốn sách này như một cách để thúc đẩy sự “chuyên nghiệp hoá” (professionalization) của việc điều hành quân đội và tiến hành chiến tranh.

Đúng là sự học không bao giờ ngừng. Khi bạn đã tưởng bạn biết điều gì đấy rồi thì một ai đấy khác sẽ lật lại vấn đề!

Read More
scholicymaker . scholicymaker .

ChatGPT thì sao?

Hôm qua có một người em hỏi tôi liệu hội đồng tuyển sinh (Mỹ?) đánh giá thế nào về việc ứng viên sử dụng ChatGPT khi chuẩn bị hồ sơ, cụ thể là viết bài luận.

Với những gì tôi biết về tư tưởng của các nhà tuyển sinh và đã đọc được trên báo đài của Tây trong suốt gần một năm qua (tính từ khi ChatGPT ra đời) thì 99.99% là đa số không có thiện cảm với việc học sinh sử dụng ChatGPT để chuẩn bị hồ sơ. Cảm nhận của tôi là không ít người vẫn có ác cảm với những sản phẩm được tạo ra bởi AI, dù là dạng văn bản hay tranh ảnh. 

Tôi nghĩ sâu trong thâm tâm họ cho rằng cái gì phải do con người tự chân tự tay vắt óc tạo ra mới có giá trị (trong khi quan điểm của tôi là đại đa số đều là … rác). Đó không phải là một nhận xét xéo sắc nhằm hạ giá trị của con người, nó chỉ đơn giản là mô tả một thực tại không thể tránh khỏi được: đại đa số những gì chúng ta được đọc, xem mỗi ngày, dù là tạo ra bởi AI hay con người 100% đều không có mấy giá trị, dù là về mặt nghệ thuật hay khoa học. Những sản phẩm thực sự có chiều sâu và tạo ra được giá trị bền vững luôn là một thiểu số rất nhỏ.

Trở lại với câu chuyện ChatGPT. Tôi nghĩ những người đánh giá thấp những người sử dụng ChatGPT phần đông là những người chưa biết dùng công cụ này và vì thế mới nghĩ rằng chỉ cần hỏi vu vơ 1-2 câu là ra được ngay đáp án. Với tôi, nguyên tắc vàng duy nhất khi sử dụng các công cụ như ChatGPT là: Input = Output. Tức đầu vào (câu hỏi/mệnh lệnh) tốt thì đầu ra (câu trả lời) sẽ tốt, và ngược lại. Hỏi kém thì câu trả lời sẽ hết sức tầm thường. Thế nên tôi sẽ lập luận rằng kể cả trong kỷ nguyên của AI thì người giỏi vẫn luôn có đất và người kém sẽ không vì AI mà sẽ giấu được sự yếu kém của mình. Chỉ đơn giản là chúng ta cần những kỹ năng mới để thích nghi thôi!

Read More
scholicymaker . scholicymaker .

Cà phê mỗi ngày

Đúng 18 gram (nếu là espresso) và 15 gram (nếu là pha pour over). Cứ đều đặn như vậy, routine của tôi gần như mỗi sáng tôi luôn bao gồm một tiết mục pha một ly cà phê để mang tới cơ quan.

Dĩ nhiên có những hôm tôi thức khuya dậy muộn nên không có thời gian để pha ly cà mang đi buổi sáng. Đấy là lý do tôi quyết tâm đầu tư thêm một bộ pha pour ở cơ quan. Một bộ bình phễu thuỷ tinh, một cối xay, một bình rót cổ ngỗng, ba gói cà Colombia rang light (đầy mùi hoa quả thơm phức!) Điểm chung là tất cả đều được đặt trên Shopee…

Điểm trừ của việc có một bộ pha cà phê ở ngay sau lưng đấy là đôi khi giữa ngày chúng ta sẽ stress và giải toả bằng cách pha một ly cà phê, rồi uống, và sau đó tối lại trằn trọc khó ngủ, và sáng lại…dậy muộn!

Read More
scholicymaker . scholicymaker .

AI đánh bại con người ở trò chơi Diplomacy

Mới đây nhất, nhóm các nhà nghiên cứu tại Meta đã thử nghiệm thành công Cicero, một phần mềm trí tuệ nhân tạo có khả năng đánh bại con người trong Diplomacy - trò chơi mô phỏng cuộc tranh đấu quyền lực giữa 7 cường quốc Châu Âu trước thềm Thế Chiến I (được coi là một trong những trò boardgame ưa thích của các chính khách nổi tiếng như Tổng thống J.F. Kennedy, Henry Kissinger, v.v.)

Lấy bối cảnh châu Âu năm 1901, Diplomacy mô phỏng cuộc tranh đấu quyền lực ở châu Âu giữa 7 cường quốc: Anh, Pháp, Nga, Đức, Áo, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. Để giành chiến thắng tuyệt đối, người chơi phải điều khiển các quân đoàn và hạm đội của mình để chiếm được 18 trên tổng số 34 “vùng hậu cần” (supply center).

Điểm đặc biệt của Diplomacy là luật được thiết kế để không ai có thể một mình giành chiến thắng mà không có sự hỗ trợ của ít nhất một đồng minh khác. Trò chơi không sử dụng xúc xắc nên không có yếu tố may rủi hay bất định tác động đến kết quả. Vì vậy, người chơi chỉ có một cách duy nhất để đánh bại các đối thủ của mình là vận dụng những kỹ năng ngoại giao như: phân tích tình huống, hoạch định chiến lược, đàm phán, v.v. Mục tiêu của người chơi là đánh giá đúng ý đồ của cả các “đối tác” lẫn “đối tượng”, xây dựng và duy trì các liên minh bền vững với đồng minh, và đồng thời ly gián những liên quân tiềm năng chống lại mình.

Tuy nhiên, khác với những bộ môn như cờ vua, cờ vây (chơi theo lượt), sau khi đàm phán xong, cả 7 người chơi Diplomacy sẽ ra lệnh cùng một lúc và các mệnh lệnh sẽ được thực thi đồng thời. Quá trình “khớp lệnh” khi đó mới làm bộc lộ những người chơi thực hiện đúng cam kết đã đề ra trong lúc đàm phán và những người chơi “nói một đường, làm một nẻo”. Lòng tin là một thứ gì đấy rất xa xỉ trong Diplomacy. Cũng chính vì thế mà gây dựng lòng tin với đồng minh và biết phản bội đúng người đúng thời điểm gần như là một phần tất yếu để giành chiến thắng tuyệt đối trong trò chơi này.

Diplomacy được cho là đặt ra một bài toán hóc búa cho các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) trong suốt hơn 50 năm qua. Sự khác biệt giữa Diplomacy và các trò đấu tay đôi kinh điển như cờ vua hay cờ vây nằm ở hai điểm chính: (1) trong Diplomacy bạn phải thi đấu với 6 đối thủ thay vì 1 đối thủ và (2) giao tiếp bằng ngôn ngữ là một phần của trò chơi.

Do đó, để AI có thể đánh bại con người ở trò chơi này, nó phải có cả khả năng tư duy chiến lược (strategic reasoning) để nhận biết đối tác/đối tượng và các tình thế thuận lợi/nguy hiểm, lẫn khả năng giao tiếp sử dụng ngôn ngữ của con người (natural language). Cũng chính vì sự “bất tương xứng về thông tin” (một bên luôn có những thông tin mà bên kia không có) là một phần của trò chơi nên AI phải biết lúc nào nên chia sẻ ít, lúc nào nên chia sẻ nhiều, lúc nào cần thành thật, lúc nào cần gian trá.

Đây là điều khiến phần mềm AI mang tên Cicero do nhóm các nhà nghiên cứu của Meta phát triển thật sự ấn tượng. Sau tổng cộng 72 giờ thi đấu với hơn 80 người chơi qua 40 ván Diplomacy khác nhau, Cicero đã lọt vào top 10% những người chơi tốt nhất. Đây là một thành tích quá ấn tượng đối với bất kỳ người chơi Diplomacy nào. Nhưng ấn tượng hơn cả là việc Cicero đã đánh giá tương đối chính xác ý đồ của những người chơi khác, giao tiếp thành thục và không để lộ danh phận AI của mình. Hơn hết, Cicero không bị ảnh hưởng bởi những thiên kiến cố hữu trong tâm lý con người và không ra quyết định dựa trên cảm xúc. Mọi quyết định mà AI đưa ra thuần tuý dựa trên phán đoán của nó về lợi ích mà một nước đi có thể mang lại. Trên đường dài, điều đó khiến cho AI mắc ít sai lầm hơn con người.

Điều này có hàm ý gì cho chúng ta? Phải chăng các nhà ngoại giao tương lai sẽ phải trang bị AI như các trợ lý cá nhân để giành lợi thế trong các cuộc đàm phán? Và chúng ta phải làm gì nếu như AI cứ từng bước khéo léo chiếm lĩnhthế giới mà vẫn khiến ta phải cảm mến nó?

- - - 

Đọc thêm: What If the Robots Were Very Nice While They Took Over the World?

Read More